Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

LƯỢC SỬ GIÁO XỨ MẪU TÂM

A. LƯỢC SỬ GIÁO XỨ MẪU TÂM 

Từ diễn biến lịch sử 1954, sau hiệp định Genève, bằng các phương tiện như đường thủy Hải phòng….một số khá đông người dân từ miền Bắc vào Nam sinh sống và lập nghiệp mà phần đông là giáo dân thuộc gốc Bùi Chu – Phát Diệm và giáo dân thuộc gốc Sa Châu được đưa về trại tạm cư Tân Sơn Nhất (nay là công viên Hoàng Văn Thụ, phường 02, Quận Tân Bình) và được sắp xếp ở tạm trong những nhà bạt lớn, sàn ván.
Để duy trì niềm tin Công Giáo và lòng sùng đạo, ngay tại góc đông bắc của trại, một dãy nhà năm gian được dựng lên với cột gỗ vuông, mái lợp tôn, chung quang ghép ván cao khoảng 1 mét. Tại đây vừa được làm văn phòng tiếp nhận và phân phối nhu yếu phẩm, vừa là nhà nguyện để mỗi sáng Cố Linh Mục Augustinô Nguyễn Văn Tra từ Tiểu chủng viện Phaolô Phát Diệm ở Phú Nhuận về dâng lễ.
Đầu năm 1955, trại tạm cư Tân Sơn Nhất được giải tỏa. Dưới sự hướng dẫn của Cha Cố Augustinô Nguyễn Văn Tra, giáo dân gốc Bùi Chu – Phát Diệm được chuyển đến khu đất trống của người Pháp (nguyên là khu ruộng khô cằn) và đã gầy dựng nên Giáo Xứ Mẫu Tâm ngày nay. Còn lại một số giáo dân gốc Sa Châu theo Cha Cố Đaminh Mai Ngọc Khuê lập nên giáo xứ Tân Sa Châu. Cũng từ đây Mẫu Tâm và Tân Sa Châu trở thành địa danh hành chính là Ấp Tân Sa Châu, xã Tân Sơn Hòa, Quận Tân Bình, Tỉnh Gia Định.
Vì thời gian này chưa có nhà thờ nhưng để duy trì niềm tin Công Giáo và đời sống tâm linh, mỗi sáng giáo dân tập trung trong khu vực nhà mồ Lăng Cha Cả, nơi an táng Đức Cố Giám Mục Bá Đa Lộc để cùng nhau dự lễ.
Với nỗ lực của giáo dân và sự đồng thuận của Cha Cố Augustinô Nguyễn Văn Tra, nhà thờ đầu tiên với tên gọi Mẫu Tâm đã được xây dựng bằng cột gỗ vuông, mái lá, ghép ván tọa lạc tại số 163A đường Võ Tánh nối dài, gần Lăng Cha Cả, ngày nay địa chỉ trên đã được đổi thành số 389 đường Hoàng Văn Thụ, phường 02, Quận Tân Bình, Tp Hồ Chí Minh.


Nền móng đầu tiên của Giáo Xứ Mẫu Tâm ngày nay

Sau khi hoàn thành nhà thờ, nhận thấy tầm quan trọng của giáo dục đối với con em giáo dân trong giáo xứ là cần thiết, Cha Cố Augustinô Nguyễn Văn Tra đã cho xây song song nhà thờ một dãy trường học bằng vật liệu nhẹ và đặt tên là Trường Tiểu Học Tư Thục Phaolô Bột.
Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu đời sống sinh hoạt hàng ngày, một khu chợ nhỏ nằm trong khu dân cư cũng đã dần được hình thành với tên gọi Chợ Lăng Cha Cả, khu chợ này vẫn đang còn tồn tại đến ngày nay.
Năm 1957, Cha Cố Augustinô Nguyễn Văn Tra được bề trên điều về làm Tổng Giám Thị Tiểu Chủng Viện Phaolô - Phát Diệm tại Phú Nhuận.
Tháng 8.1957, Cha Cố Antôn Nguyễn Văn Thủy từ xứ Tân Châu (Quang Trung – Hóc Môn) về làm Chánh Xứ Mẫu Tâm.


Cha Cố Antôn Nguyễn Văn Thủy về làm Chánh Xứ Mẫu Tâm - tháng 8.1957

Hai năm sau, 1959, nhà thờ được xây dựng lại lần thứ nhất bằng những vật liệu bán kiên cố, cột gạch, tường xây, cửa gỗ, khang trang và rộng rãi trên khu đất như hiện nay. Trong quá trình xây dựng cũng đã gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất khi mà tường xây xong, các vì kèo và xà gồ đã sẵn sàng nhưng chưa có mái lợp. Được sự hỗ trợ và giúp đỡ của Đức Cố Giám Mục Harnet, Giám Đốc Caritas Hoa kỳ, lúc bấy giờ mái nhà thờ mới được lợp bằng chất liệu fibro ciment. Bên cạnh đó trường dạy cắt may Khiết Tâm cũng được hình thành nhằm tạo điều kiện cho con em trong giáo xứ học nghề.


Năm 1959, Nhà Thờ được xây lại bằng vật liệu bán kiên cố

Một tháp chuông được thiết kế bằng 4 trụ sắt ống, chiều cao khoảng 28 mét, mái tôn, được đặt phía góc sân bên trái cuối nhà thờ (nay là nơi đặt phù điêu 117 Thánh Tử Đạo). Đặc biệt quả chuông được đặt mua tại Pháp. Chứng kiến những biến cố trong lịch sử, sự thay đổi về con người, sự biến đổi về môi trường, quả chuông vẫn tồn tại hiên ngang như một lần nữa khẳng định giáo xứ Mẫu Tâm vẫn mãi trường tồn cùng thời gian với tiếng chuông ngân vang trong các dịp lễ trọng, các nghi thức hôn phối hay khi tiễn biệt một người con của giáo xứ về với Chúa mà nó hạnh phúc mang lại cho giáo dân như một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của giáo xứ.
Khi thấy số giáo dân ngày càng tăng. Cha Cố Antôn Nguyễn Văn Thủy và cộng đoàn đã cho nới rộng phía cuối nhà thờ ra thêm một gian nữa. Trong lần tái thiết này, tường cuối được xây cao thêm để đặt tòa Tôn Kính Đức Maria Mẫu Tâm, tượng được làm bằng ciment cao khoảng 1 mét 60. Công trình hoàn tất với niên hiệu được khắc dưới chân tượng A1962D.


 Tòa tôn kính Đức Maria Mẫu Tâm với niên hiệu A1962D

Cuối năm 1962, trong thời gian sửa chữa và để không gián đoạn việc học hành của các em trong và ngoài giáo xứ, Cha Cố Antôn Nguyễn Văn Thủy đã cho chuyển trường tiểu học sang khu đất rộng cạnh nghĩa trang bưu điện cũ với sự giúp đỡ của ông bà Đào Nhật Tiến, chủ sở hữu khu đất này. Năm 1968, sau khi đã hoàn thành, trường được dời về lại với một ngôi trường mới kiên cố, một trệt, một lầu.
Cũng trong năm 1968, Đức Cố Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đã cử tân Linh Mục Giuse Dương Như Hoan về làm Phó Xứ đầu tiên.
Mùa Thu năm 1970, Cha Cố Antôn Nguyễn Văn Thủy xin nghỉ hưu tại nhà hưu dưỡng Phát Diệm ở Xóm Mới Gò Vấp và qua đời ngày 11.07.1995
Vào tháng 8.1970, theo sự bổ nhiệm của Tòa Tổng Giám Mục, Cha Giuse Dương Như Hoan về làm Phó Xứ Phát Diệm, đồng thời Cha Cố Antôn Nguyễn Văn Luận nguyên Phó Xứ Phát Diệm về làm Chánh Xứ Mẫu Tâm. Sau khi tiếp nhận giáo xứ, nhận thấy nhu cầu học hỏi giáo lý cần thiết cho các em thiếu nhi và nhất là đối với đời sống tinh thần của giáo dân, Cha Cố Antôn Nguyễn Văn Luận đã cùng với Hội Đồng Mục Vụ bàn bạc việc mở rộng và xây dựng lại nhà thờ bằng vật liệu kiên cố : cột, mái, trần đều được làm bằng bê tông cốt thép. Mọi thành phần trong giáo xứ được kêu gọi chung trong việc đóng góp công sức, tiền của và lòng nhiệt thành để hoàn thành công việc trên.
Ngày 22.08.1971, Đức Cố Giám Mục phụ tá Phanxicô Xaviê Trần Thanh Khâm về dâng Thánh lễ đặt viên đá đầu tiên để xây dựng giáo xứ.
Ngày 01.12.1971, Cha Cố Antôn Nguyễn Văn Luận đã bắt đầu cho khởi công xây cất. Kinh phí từ nguồn tiết kiệm của giáo dân và các ân nhân xa gần đóng góp. Chỉ sau chưa đầy một năm xây dựng, nhân dịp lễ kính Đức Mẹ Hồn Xác Về Trời ngày 20.08.1972, Đức Cố Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình về làm lễ khánh thành ngôi Thánh Đường mới với chiều dài 34 mét, chiều rộng 12 mét, chiều cao 11 mét, chung quanh nhà thờ có tường, cổng và một tháp chuông. Song song và nằm trong khuôn viên nhà thờ là ngôi trường tiểu học Phaolô-Bột cũng được xây mới với 1 trệt, 2 lầu, 1 sân thượng rộng và thoáng mát. Bên trong Thánh Đường phần đầu là gian cung thánh với không gian rộng cho khoảng 20 linh mục làm lễ đồng tế. Tượng Chúa chịu nạn được đặt ở vị trí chính giữa Thánh Đường, phía trên cao. Tượng Đức Maria Văn Côi và tượng Thánh Giuse Bảo Trợ đặt hai bên đối xứng. Bàn thờ và tòa giảng làm bằng gỗ bọc mica. Phần giáo dân có 4 hàng ghế dành cho cộng đoàn với sức chứa khoảng 600 người tham dự thánh lễ. Phần cuối Thánh Đường là gác đàn dành cho các ca đoàn hát lễ. Một hành lang nhỏ và một kho được dùng làm phòng để hài cốt. Hiện nay phòng để hài cốt được chuyển lên lầu 1, khu trường học sau khi được tu sửa lại.


Năm 1972, Nhà Thờ Mẫu Tâm được xây dựng lại bằng vật liệu kiên cố

Sau năm 1975, ngôi trường được nhà nước tiếp quản và xây thêm 1 lầu trên nền sân thượng có sẵn để thành lập ngôi trường mới mang tên Nguyễn Thanh Tuyền do nhà nước quản lý. Trong thời gian này việc dạy và học giáo lý bị gián đoạn trong khi nhu cầu học của các em ngày càng tăng mà không có phòng học. Với những trăn trở của giáo xứ, năm 1998, Cha Cố Antôn Nguyễn Văn Luận và Hội Đồng Mục Vụ lên kế hoạch tái thiết mở rộng một phần nhà xứ bằng việc cơi nới và xây thêm 1 trệt, 3 lầu vừa là nơi để sinh hoạt mục vụ, vừa là chỗ để các em học hỏi giáo lý và các đoàn thể sinh hoạt. Công việc tái thiết - xây dựng nhà giáo lý khởi công và hoàn thành với thời gian 3 tháng.
Cùng với thời gian nhà thờ bị hư hỏng nhiều. Công việc mục vụ của Cha Cố Antôn Nguyễn Văn Luận và Hội Đồng Mục Vụ trở nên khó khăn khi số giáo dân tham dự các thánh lễ, nhất là những ngày lễ Chủ Nhật và Lễ Trọng ngày càng đông, trong đó số lượng người sống tạm cư chiếm phần không nhỏ.
Ngày 27.10.2001, Linh Mục Phêrô Nguyễn Văn Tâm nhận giấy bổ nhiệm của Tòa Tổng Giám Mục chính thức tiếp nhận giáo xứ, hướng dẫn tinh thần và đời sống đạo cho giáo dân thay Cha Cố Antôn Nguyễn Văn Luận nghỉ hưu và qua đời ngày 24.12.2003.
Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Tâm, một linh mục trẻ, năng động, đầy nhiệt huyết. Với trách nhiệm của Cha Chánh Xứ và được mọi người tin tưởng vào khả năng lãnh đạo cũng như điều hành công việc, Cha Xứ đã mời họp Hội Đồng tân cựu để cùng nhau bàn thảo, trao đổi những vấn đề liên quan đến việc xin thu hồi lại ngôi trường nhằm mục đích có phòng ốc cho các em học hỏi giáo lý, các đoàn thể và ca đoàn sinh hoạt. Được sự chuyển cầu của Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, mọi công việc trên đã diễn ra một cách tốt đẹp và đúng theo dự kiến.
Tháng 5.2004, Cha Xứ cùng với Hội Đồng Mục Vụ bàn các phương án trùng tu và nâng cấp Thánh Đường . Công việc khởi công từ ngày 03.07.2004 và kết thúc ngày 24.12.2004.
Toàn thể giáo xứ chúng con xin tạ ơn Chúa và xin tri ân Mẹ Maria.

B. KIẾN TRÚC TỔNG THỂ NHÀ THỜ MẪU TÂM

Nhìn từ bên ngoài sân, phía trái là tượng đài Chúa Kitô Vua với hoa viên rộng 70 m2. Chính diện bên trên là tượng đài Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ, quan thầy Giáo Xứ cùng bốn hình Thiên Thần được đặt ẩn hai bên cánh tượng đài Đức Mẹ. Ngay cửa chính nhà thờ là hình “Bữa Tiệc Ly”, hai bên cửa nhỏ là hình 4 Thiên Thần đứng chầu. Tháp chuông cao 28 mét.


Thánh Đường Mẫu Tâm ngày nay

1. Tượng đài Thánh Martinô Poret: Thánh Martinô Poret được mệnh danh là Quan Thầy của những người nghèo khó, cơ nhỡ trong xã hội vì vậy tượng được đặt sát phía ngoài, gần nơi đường đi để thuận tiện cho những người gặp khó khăn trong cuộc sống muốn tìm đến Ngài để cầu xin ơn được nâng đỡ, ủi an. Tượng Thánh được làm bằng chất liệu composite.


Thánh Martinô Poret

2. Bức phù điêu 117 Vị Thánh Tử Đạo Việt Nam: bức phù điêu được làm bằng bê tông cốt thép, theo mẫu bức chân dung 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam ở Roma. Phía trên là hình Chúa Giêsu phục sinh vinh hiển được sơn tiệp với màu tông đất, thể hiện bản chất của người nông dân Việt Nam hiền lành, chất phác, gắn bó với đất đai vườn tược. Bức phù điêu được đặt dưới mái ngói màu đỏ, tượng trưng cho dòng máu của các Vị Thánh Tử Đạo đã hiến dâng mạng sống mình để minh chứng cho niềm tin vào Đức Kitô trong thời kỳ Giáo Hội Việt Nam bị bách hại và thử thách. Lòng yêu mến và sự trung thành tuyệt đối của các Vị Thánh Tử Đạo được khắc ghi qua 2 câu đối :

"Vững bước niềm tin cam máu đổ
Khôn lay đức ái xá đầu rơi"

Bức phù điêu được đặt trong hai cột sơn màu xanh đá cẩm thạch, ngụ ý các Ngài như những viên Ngọc trong đá đã được sáng lên qua sự mài giũa từ những hy sinh, đau khổ và cả cái chết để chứng minh lòng tin tuyệt đối vào Thiên Chúa toàn năng và Hội Thánh của Người. Bên phải bức phù điêu là bảng đá khắc ghi danh tánh, các khổ hình mà các Ngài phải chịu và năm tháng được Giáo Hội tôn vinh. Toàn bộ tác phẩm được đặt trên nền đá hoa cương kim sa, trang trọng và tôn kính nói lên lòng tự hào và kính trọng của thế hệ Kitô Giáo Việt Nam hôm nay đối với các bậc tổ tiên anh hùng.


Bức phù điêu 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam

3. Chặng đường Thánh Giá: gồm 16 chặng, bằng composite theo tiêu bản mới của Australia. Ngoải 14 chặng Thương Khó theo truyền thống, thêm 2 chặng suy niệm. Từ chặng thứ nhất “Chúa Giêsu cầu nguyện trong vườn Cây Dầu” đến chặng thứ 16 “Chúa Giêsu Phục sinh” được sắp xếp từ bên phải bàn thờ và kết thúc về bên trái bàn thờ.

4. Thánh Giá, Nhà Tạm và Giảng Đài: được làm bằng gỗ gõ đỏ. Thánh Giá cao 2m40 và dày 0m22. Mái Nhà Tạm hình chóp nón để phù hợp với vành khuyết hình búp của mặt tiền sảnh gian Cung Thánh (cũng như mái nhà thờ) với mong muốn mọi người hướng lên sự Chân – Thiện – Mỹ.

5. Tượng đài Thánh Giuse Công Chính và Đức Mẹ Maria trên gian cung Thánh được làm bằng chất liệu composite và cao 1m80.

6. Bàn thờ: làm từ đá hoa cương nguyên khối, phần chân đế hình bát giác, phần thân hình vuông, bốn mặt được điêu khắc hình chiên hiến tế, năm chiếc bánh và hai con cá…là những hình tượng biểu trưng cho mầu nhiệm Thánh Thể. Mặt bàn thờ hình oval dày 17cm, cao 1m, dài 2m6, ngang 1m6, rộng mở như một bàn tiệc lớn mời gọi mọi người cùng tham dự vào Bữa tiệc Mầu Nhiệm Thánh. Mặt chính diện của phần thân bàn thờ được trân trọng đính xương các Thánh Tử Đạo Việt Nam nhân dịp lễ Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ, bổn mạng giáo xứ và đã được Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn Thánh Hiến bàn thờ vào ngày 04.06.2005.


Gian cung Thánh

7. Màu sắc trong nhà thờ: bên cạnh màu chủ đạo là vàng và xanh ngọc, toàn bộ bên trong nhà thờ được sơn màu hồng tượng trưng cho tình yêu đã được thanh luyện bởi tình yêu cứu chuộc của Thiên Chúa.
• Màu vàng : xuyên suốt trên trần treo từ cuối nhà thờ và phủ xuống mặt tiền lớn của gian Cung Thánh thể hiện ánh sáng của ơn cứu độ. Gian Cực Thánh được sơn màu hồng đậm để tạo chiều sâu làm nổi bật Nhà Tạm và tượng Chúa Chịu Nạn là nơi Đấng Cứu Độ vẫn ở lại ban muôn hồng ân cho chúng ta hàng ngày bằng chính Mình Máu Thánh của Ngài.
• Màu xang ngọc : tạo không gian thoáng mát, êm dịu để giáo dân khi tìm đến nương tựa Nhà Chúa cảm thấy lòng được thanh thản, bình yên và tham dự thánh lễ được sốt sắng trọn vẹn sau những vất vả mưu sinh đời thường.

8. Gian Cung Thánh: được làm mới, rộng và cao hơn, lót đá hoa cương màu hồng đào, tạo nên sự uy nghiêm và tôn kính nơi Cực Thánh. Nền nhà thờ lót gạch granite. Các cửa sổ và cửa chớp được thay bằng kiếng tạo sự nhẹ nhàng thoáng mát. Mái nhà thờ được phủ lớp tôn mạ màu xanh rêu, chống thấm và chống nóng.

9. Tổng thể trần nhà thờ gồm: phía trên gian Cung Thánh là một hình vuông hai cấp được gắn đèn mâm phalê tượng trưng cho trời và đất, 7 hình hoa văn tròn tượng trưng cho 7 giáo họ đã hình thành nên giáo xứ Mẫu Tâm. Chung quanh nhà thờ được lát đá xanh, cao 1m20 thể hiện ước nguyện : nền móng của giáo xứ đã được các thế hệ dày công xây dựng vững chắc và sẽ còn phát triển ngày một bền vững hơn từ các thế hệ con cháu sau này.











Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét