LỄ TRO - MỘT ẤN TƯỢNG - MỘT BÀI HỌC
Năm 1995, tôi và các anh em trong nhóm thừa tác viên trao Mình Thánh Chúa được Cha cố Antôn Nguyễn Văn Luận chỉ định phụ giúp Ngài xức tro cho cộng đoàn.
Sau bài giảng Phúc Âm, nghi thức xức tro được khởi sự. Tôi tiến lại gần Ngài để nhận bình tro. Ngài liền quỳ xuống và nói “Anh xức tro cho tôi đi”. Tôi bàng hoàng sửng sốt và ngập ngừng. Ngài thúc “Xức đi!”. Tôi đành làm theo ý Ngài. Nhưng phải đọc công thức nào đây? Có hai công thức. Một là, “Hỡi người hãy nhớ người là bụi tro và sẽ trở về tro bụi”. Hai là,”Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Tôi đã chọn câu: “… Hãy nhớ mình là bụi tro”. Câu này đã nhập tâm tôi từ rất lâu và thay vì phải đọc “hỡi người…”, tôi đọc là: “Xin Ngài hãy nhớ, Ngài là tro bụi và Ngài sẽ trở về bụi tro”. Kết thúc Thánh lễ, ai về nhà nấy, chẳng còn nhớ gì đến tro bụi. Tôi cũng thế, không ngoại lệ.
Hai ngày sau Ngài mời tôi vào phòng khách nhà xứ. Khi Cha con chúng tôi đã yên vị, Ngài liền lên tiếng cắt nghĩa và giải thích cho tôi hiểu việc làm của Ngài: “Tôi mời anh vào đây về vấn đề xức tro hôm trước”. Tôi giật mình và Ngài tiếp: “Phụng vụ quy định thế nào, phải đọc đúng và làm đúng như thế, không thêm, không bớt. Xức tro cũng là hành vi tôn vinh Thiên Chúa, nhất cử nhất động, phải làm theo đúng Ý của Hội Thánh.”
Ngài tiếp: “Tại sao tôi quỳ xuống và xin xức tro anh lại ngần ngại?”. Tôi đáp: “Thưa Cha, từ nhỏ đến giờ, con chưa từng thấy một Linh mục nào quỳ xuống trước mặt một giáo dân, nhất là lại quỳ xuống trước mặt cộng đoàn đang dâng lễ và xin một giáo dân xức tro cho mình?!”. Ngài hỏi lại: “Thế anh không thấy gì trong Tin Mừng à?” Và Ngài dẫn tôi vào hai bối cảnh của Tin Mừng.
Thứ nhất, Tin Mừng theo thánh Matthêu, Chương 3 từ câu 13 đến câu 15.
Thứ hai, Tin Mừng theo thánh Gio-an, Chương 13 câu 5 đến câu 9.
Và Ngài tiếp: “Anh thấy đó, trong hai người, một người được rửa cho Chúa, một người được Chúa rửa, cả hai đều từ chối, tại sao? Cả hai đều cho mình là bất xứng, mà bất xứng thật. Nhưng vấn đề ở đây không phải là có xứng hay không xứng.
Vấn đề ở đây là vâng và làm theo ý Chúa. Khi Chúa và Hội Thánh cần ta, ta phải vâng phục và đáp lại. Hãy nhìn lên Chúa, đừng nhìn về phía ta, để rồi lưỡng lự và đánh giá. Do đó, việc tôi quỳ xuống và xin anh xức tro đâu có gì là ghê gớm!”.
Đến đây giọng Ngài trầm xuống và Ngài tâm sự: “Vấn đề làm cho tôi suy nghĩ nhiều là câu nghi thức xức tro anh đọc: “Xin Ngài hãy nhớ, Ngài là tro bụi và Ngài sẽ trở về bụi tro””. Ngài tiếp: “Khi một người có chức có quyền, có địa vị trong xã hội, trong Giáo hội, người ta hay dùng từ Ngài - Ngài Tổng Thống, Thủ Tướng, Bộ Trưởng và trong đạo các Giám mục, Linh mục cũng được xưng bằng Ngài.Trong công thức anh đọc: “Ngài là bụi tro và Ngài sẽ trở về bụi tro”. Nói khác đi, Ngài là bụi đất. Ngài cũng trở về bụi đất như mọi người. Vậy mà…!!”
Tôi thầm cảm phục Cha Cố, vì đối với tôi, những tâm hồn đạo đức và có một nội tâm phong phú thì bất cứ sự kiện nào, lời nói nào, cũng được các vị ghi vào lòng, suy đi nghĩ lại và đưa ra những nhận định thật là sâu sắc.
Tôi đã đọc ba đoạn Tin Mừng, hai đoạn trong Sách Thánh (Mt 3,13-15; Ga 13,5-9) và một là bản thân và cuộc đời Cha Cố Antôn Nguyễn Văn Luận.
Xin dừng nơi đây ngọn bút hèn
Cuộc đời tội lỗi lấm bùn đen
Cầu xin Cha Cố dìu con bước
Thánh kinh, Thánh vịnh luôn hát khen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét