Thứ Năm, 5 tháng 11, 2015

NĂM ĐỨC TIN - THÁNG 11.2013 - CHỨNG NHÂN ĐỨC TIN


Hội Thánh nhắc chúng ta nhớ đến những bậc tiền bối đã ra đi trước chúng ta. Trong số đó, có những vị đã được thưởng công trên nước trời và hằng chuyển cầu cho chúng ta. Vì thế, chúng ta phải có bổn phận sống đức tin theo gương các bậc tiền bối là các Thánh Tử Đạo Việt Nam qua việc: Cộng tác vào việc truyền giáo – Làm chứng đức tin – Phục vụ con người và nhất là Xây dựng Giáo Hội Chúa Kitô trên trần gian này.
1. Chúng ta không thể quên được điều này: ngay từ đầu, các tín hữu công giáo Việt Nam đã cộng tác đắc lực với các vị thừa sai trong công việc loan báo tin mừng, cách riêng phải nói đến đội ngũ đông đảo các thầy giảng (1643). Các thầy là những tín hữu hiến toàn thân cho việc tông đồ. Các thầy tuyên khấn độc thân, để tài sản chung và vâng lời bề trên. Các thầy đã trợ giúp các vị thừa sai trong việc giảng dạy giáo lý, điều hành và duy trì các cộng đoàn dân Chúa khi các vị thừa sai bị trục xuất hoặc vắng mặt. Ngoài việc giúp các vị thừa sai học tiếng Việt, nhiều tín hữu ngày xưa còn phiên dịch kinh sách và giáo lý ra chữ nôm để phổ biến….Lúc bấy giờ có Cha Đắc Lộ ở An Vực (Thanh Hóa) đã dành những lời ca tụng đặc biệt khi nhắc đến các tín hữu Việt Nam thời ấy: “Điều làm tôi cảm động hơn hết là thấy ở xứ này, bao nhiêu người công giáo là bấy nhiêu thiên thần và ơn phép rửa tội đã ban cho họ một tinh thần mà chúng ta thấy ở các tông đồ và vị tử đạo tiên khởi.”

2. Dưới thời nhà Nguyễn, triều đình lúc bấy giờ đã dùng những điều luật hà khắc để trừng trị mọi hành vi bị coi là chống đối, và thi hành những chính sách cấm Đạo Gia Tô rất ngặt nghèo. Đã có 14 chỉ dụ cấm đạo trong khoảng thời gian từ năm 1833 đến 1862. Chính trong bối cảnh khó khăn đó, niềm tin của người công giáo được thanh luyện và phát triển. Theo đạo không những không đem lại lợi lộc vật chất nào mà còn phải đối diện với đủ thứ khó khăn và đe dọa; thế nhưng con số người theo Đạo vẫn gia tăng mạnh mẽ: từ 320.000 người vào năm 1800 lên đến 426.000 vào năm 1855. Số các địa phận cũng tăng lên: từ 3 địa phận thành 8 địa phận vào năm 1850, và thành 13 địa phận năm 1933.
- Tại Đàng Ngoài: Vinh (18640, Bùi Chu (1848), Bắc Ninh (1833), Hưng Hóa (1895), Phát Diệm (1901), Lạng Sơn (1913), Thanh Hóa (1932).
- Tại Đàng Trong: năm 1844, địa phận Đàng Trong được tách làm hai địa phận: Đông Đàng Trong (Quy Nhơn) và Tây Đàng Trong (Sài gòn); rồi tiếp tục tách thêm các địa phận khác là Huế (1850), Nam Vang (1850) và Kontum (1932).
Trong số các tín hữu đã đổ máu đào minh chứng cho đức tin, có 117 vị được tuyên phong Chân phước trong 4 đợt: Đức Lêô XIII tuyên phong 64 vị năm 1900; Đức Piô X tuyên phong 8 vị năm 1906, và 20 vị khác năm 1909; Đức Piô XII tuyên phong 25 vị năm 1951. Thành phần gồm 8 giám mục, 50 linh mục, 1 chủng sinh, 14 thầy giảng, 44 giáo dân. Tất cả đã được Đức Chân phước giáo hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong Hiển Thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988.

3. Đạo công giáo là đạo yêu thương. Tin vào Chúa Giêsu Kitô là sống điều răn mới của Chúa: “ Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau như chính Thầy yêu thương anh em. Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em yêu thương nhau” (Gioan 13). Tình yêu thương không chỉ giới hạn giữa những người công giáo nhưng còn lan rộng ra bên ngoài. Vì thế, trong suốt chiều dài lịch sử Giáo Hội Việt Nam, người công giáo đã tích cực tham gia vào việc xây dựng một xã hội lành mạnh, nhân bản, và quan tâm đến những người cần sự giúp đỡ nhất. Sống tình yêu thương và phục vụ chính là cách thể hiện và làm chứng đức tin Kitô giáo, tin vào đấng Thiên Chúa là tình yêu và giàu lòng thương xót.

4. Nhìn lại lịch sử Giáo Hội, người tín hữu Việt Nam cất cao lời ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa, vì khi quay nhìn về quá khứ bằng cặp mắt đức tin, chúng ta nhận ra Chúa luôn hiện diện và đồng hành với Dân của Ngài trong từng bước đi, dù lúc thành công hay khi thất bại, dù lúc chan hòa ánh sáng hay khi tối tăm vây bọc. Nhìn lại lịch sử, chúng ta cũng ý thức rằng đức tin mà mình đã lãnh nhận, được gieo trồng và vun xới bằng mồ hôi và nước mắt, hơn nữa bằng cả máu đào của tiền nhân. Vì thế, phải hết sức trân trọng, giữ gìn và phát huy đức tin ấy bằng cả cuộc đời. Đồng thời, phải tiếp tục công trình của cha ông trong nỗ lực truyền giáo, để quê hương Việt Nam được phát triển theo định hướng Nước Trời, Nước công chính, yêu thương, và bình an trong Thánh Thần.

Nguyên Vũ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét