SỰ MẶC KHẢI CỦA THIÊN CHÚA
“Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mặc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết mầu nhiệm thánh ý Người. Nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể trong Chúa Thánh Thần và được thông phần bản tính của Thiên Chúa” (ĐV 2)
Ý định mặc khải được thể hiện cùng một trật “hành động và lời nói, cả hai liên kết chặt chẽ và soi sáng cho nhau” (ĐV 2). Ý định ấy hàm chứa một đường lối sư phạm thần linh nghĩa là Thiên Chúa thông ban chính mình cho con người một tiệm tiến, chuẩn bị từng giai đoạn để con người đón nhận mặc khải siêu nhiên về chính bản thân Người. Mặc khải này sẽ đạt tới tột đỉnh nơi ngôi vị và sứ mạng của lời nhập thể là Chúa Giêsu Kitô.
Lời tuyên xưng đức tin đầu tiên của mỗi người chúng ta được thực hiện khi lãnh nhận bí tích rửa tội (nghiã là Bí Tích Thánh Tẩy). Bí Tích Thánh Tẩy được ban cho mỗi người chúng ta “nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19) cho nên những chân lý của đức tin tuyên xưng lúc rửa tội được sắp xếp quy về Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì thế “Tôi tin kính một Thiên Chúa”, lời tuyên xưng như thế được khởi đi từ kinh Tin Kính. Do đó niềm tin vào Thiên Chúa Duy Nhất là nền tảng và khởi nguyên của những lời tuyên xưng khác.
Đức tin vào Thiên Chúa dẫn đưa chúng ta hướng về một mình Người, như về cội nguồn đầu tiên và về cùng đức tối hậu của chúng ta, nên không có gì quý trọng hơn Người hoặc thay thế được Người.
Với việc tạo dựng vũ trụ và con người, Thiên Chúa ban cho ta bằng chứng phổ quát về tình thương và sự khôn ngoan của Người; về ý định nhân hậu là công trình sáng tạo mới trong Đức Kitô. Tuy công trình sáng tạo được coi là của Chúa Cha nhưng chân lý đức tin cũng dạy rằng: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là nguyên lý duy nhất và không thể phân chia được của công trình sáng tạo. Chỉ có Thiên Chúa mới sáng tạo vũ trụ một cách tự do, trực tiếp, không cần một sự trợ giúp nào. Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ để biểu lộ và thông ban vinh quang của Người. Người muốn các thụ tạo được dự phần vào chân thiện mỹ của Người. Đó là vinh quang mà Người đã tiền định chúng khi dựng nên chúng.
Vì thế, Đức Kitô mời gọi chúng ta với tâm tình con thảo phó thác vào sự quan phòng của Cha trên trời. Sự quan phòng ấy chính là Thiên Chúa lo liệu với sự khôn ngoan và tình thương dẫn đưa mọi thụ tạo tới cùng đích của chúng. Cho nên Thánh Phêrô cũng nhắc nhở: “Mọi lo âu, hãy trút cả cho Người vì Người lo đến anh em” (1 Pr 5,7)
Việc khẩn cầu Thiên Chúa với tước hiệu là “Cha” đã được biết đến trong nhiều lãnh vực tôn giáo. Trong Cựu Ước, dân Israel cũng gọi Thiên Chúa là Cha vì Ngài là Đấng tạo dựng trần gian, vì Ngài lập giao ước với dân Israel, vì Ngài yêu thương người nghèo. Tuy nhiên, khi Chúa Giêsu mặc khải cho ta biết Thiên Chúa là Cha, tiếng gọi này mang ý nghĩa đặc biệt chưa từng có: Người không chỉ là Cha vì là tạo hóa, từ muôn thuở Người là Cha trong tương quan với Con duy nhất, Người Con này cũng chỉ là con trong mối tương quan với Cha: “Không ai biết Người Con trừ Chúa Cha, cũng như Chúa Cha trừ Người Con và kẻ mà Người Con muốn mặc khải cho” (Mt 11,27). Trước lễ Vượt qua, Đức Giêsu báo tin sẽ cử một “Đấng Bào Chữa Khác”. Đó là Chúa Thánh Thần. Ngài đã hoạt động trong công trình tạo dựng, đã dùng các tiên tri mà phán dạy, và Ngài tiếp tục hoạt động trong Hội Thánh Chúa Kitô. Hội Thánh tuyên xưng Chúa Thánh Thần là “Đấng ban sự sống, Ngài bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra, Ngài được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con”
Vì thế, nội dung chính yếu của tín điều về Chúa Ba Ngôi là:
- Chúng ta không tuyên xưng ba Thiên Chúa, nhưng tuyên xưng một Thiên Chúa duy nhất có Ba Ngôi (gọi là Tam Vị Nhất Thể.)
- Các Ngôi Vị Thiên Chúa thực sự phân biệt với nhau qua các tương quan về nguồn gốc.
- Các Ngôi Vị Thiên Chúa có tương quan mật thiết với nhau.
Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu, vì thế người Kitô hữu không chỉ tuyên xưng mà còn cử hành và sống đức tin của mình. Đối với mầu nhiệm Ba Ngôi, giáo hội cũng thế, sau khi tìm hiểu nội dung tín điều chúng ta được mời gọi và sống mầu nhiệm ấy. Trong cử hành phụng vụ, luôn luôn có hai chiều, từ trên xuống và từ dưới lên, nghĩa là một đàng Chúa Cha đổ tràn phúc lành của Ngài xuống trên chúng ta qua Người Con Nhập Thể, đã chịu chết và sống lại vì chúng ta và tuôn đổ Chúa Thánh Thần vào lòng chúng ta. Đằng khác, chúng ta chúc tụng Chúa Cha qua việc tôn thờ, ca tụng, tạ ơn và cầu xin Chúa Cha ban hồng ân quý giá là Chúa Con và Chúa Thánh Thần cho chúng ta. Vì thế khi chúng ta tham dự những cử hành phụng vụ cách tích cực và sống động là sự thể hiện niềm tin vào Chúa Ba Ngôi một cách tích cực và hữu hiệu nhất.
Sống trong mầu nhiệm Ba Ngôi chính là “Sống Yêu Thương” vì Thiên Chúa là Tình Yêu và sự sống nội tại nơi Thiên Chúa, chính là sự trao đổi yêu thương vĩnh hằng giữa Ba Ngôi Vị Thiên Chúa. Hơn thế nữa Tình Yêu ấy còn là sức mạnh biến đổi thế giới và cả lịch sử này: “Yêu thương nhau chính là cách để chúng ta sống đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi trong giáo hội, Nhiệm Thể của Đức Kitô; và là cách để chúng ta làm thay đổi lịch sử ấy hoàn thành trong Giêrusalem thiên quốc” (Giáo huấn xã hội 32).
Nguyên Vũ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét