Trong 6 tháng đầu năm chúng ta đã tìm hiểu về Thiên Chúa và công trình cứu độ của Ngài. Trong 6 tháng còn lại của năm nay 2013, chúng ta sẽ tập trung tìm hiểu và đào sâu về đời sống và sứ vụ của Giáo Hội. Bởi vì Giáo Hội vừa là con đường vừa là mục đích trong con đường cứu độ của Thiên Chúa. Cách riêng trong tháng 7 này cụ thể chúng ta sẽ tìm hiểu về Giáo Hội, Cộng đoàn yêu thương và thờ phượng qua những đề tài: Mầu nhiệm Giáo Hội - Phụng vụ - Bí tích - Cầu Nguyện.
1. Mầu nhiệm Giáo Hội:
Khi Chúa Giêsu hoàn tất công trình Chúa Cha giao phó cho Người ở trần gian, Chúa Thánh Thần được cử đến trong ngày lễ ngũ tuần để thánh hóa Hội Thánh mãi mãi (LG 4). Khi đó Hội Thánh chính thức giới thiệu cho nhân loại, và Tin Mừng bắt đầu được rao giảng cho muôn dân (AG 4). Hội Thánh là cuộc “tập hợp” tất cả mọi người đến được Chúa Kitô cử đến với muôn dân, để làm cho họ trở thành môn đệ của Người (Mt 28,19-20). Nếu chúng ta nhìn từ bên ngoài, Giáo Hội Chúa Kitô cũng giống như những tổ chức xã hội khác, với hệ thống tổ chức chặt chẽ từ trên xuống dưới và những luật lệ quy định cụ thể. Tuy nhiên Giáo Hội không chỉ là như thế, vì Giáo Hội vừa là một xã hội có tổ chức theo phẩm trật, vừa là thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô; vừa là một tập thể hữu hình vừa là một cộng đoàn thiêng liêng; vừa có những của cải trần thế vừa có những của cải thiêng liêng. Tóm lại, nơi Giáo Hội có hai yếu tố nhân loại và thần linh kết hợp với nhau thật chặt chẽ và hài hòa. Vì thế Giáo Hội được gọi là Bí Tích Phổ Quát của ơn cứu độ. Trong Chúa Kitô Giáo Hội là bí tích, nghĩa là dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết giữa con người với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại (LG 8)
Mục đích của Giáo Hội là giúp con người hiệp thông với Thiên Chúa nhờ đức ái không bao giờ tàn tạ. Mục đích ấy chi phối tất cả những gì là phương tiện mang tính Bí Tích, gắn liền với thế giới đang qua đi (LG 48). Sự thánh thiện của Giáo Hội tùy thuộc vào mầu nhiệm cao cả là mầu nhiệm Giáo Hội đón nhận và đáp lại tình yêu của Đức Kitô. Đức Maria đã trỗi vượt trên tất cả chúng ta về sự thánh thiện. Sự thánh thiện này là mầu nhiệm Giáo Hội xét như hiền thê, không tỳ ố, không vết nhăn. Vì vậy, trong Giáo Hội chiều kích Thánh Mẫu trỗi vượt hơn chiều kích Tông Đồ.
2. Phụng vụ:
Phụng vụ là việc phục vụ nhân danh Dân Chúa và ích lợi của Dân Chúa. Qua phụng vụ Đức Kitô tiếp tục công trình cứu chuộc chúng ta trong Giáo Hội, với Giáo Hội và nhờ Giáo Hội của Chúa. Phụng vụ đựơc xem là việc thực thi chức năng tư tế của Chúa Kitô, là công trình của Chúa Kitô tư tế, và của thân thể Người là Giáo Hội. Vì thế, mọi cử hành phụng vụ đều là hành động thánh thiện tuyệt hảo, không có hành động nào khác của Giáo Hội hữu hiệu bằng, xét cả về danh hiệu lẫn đẳng cấp.
Việc cử hành phụng vụ được dệt bằng các dấu chỉ và biểu tượng. Vì nơi con người có cả hai yếu tố thể xác và tinh thần, nên con người diễn tả và cảm nhận những thực tại tinh thần qua các dấu chỉ và biểu tượng. Trong tương quan giữa con người với Thiên Chúa cũng thế. Thiên Chúa nói với con người qua những dấu chỉ hữu hình. Do đó một trong những điều quan trọng là phải hiểu được ý nghĩa của những dấu chỉ và biểu tượng trong cử hành phụng vụ nhờ việc học giáo lý. Khi chúng ta cử hành phụng vụ thật sự mang lại hoa trái trong đời sống các tín hữu thì việc rao giảng tin mừng đức tin và sự hối cải phải đi trước. Chỉ khi đó phụng vụ mới có thể đưa chúng ta vào đời sống mới theo Chúa Thánh Thần, đồng thời thúc đẩy chúng ta dấn thân cho sứ vụ của Giáo Hội và phụng vụ sự hiệp nhất trong Giáo Hội.
3. Bí tích:
Bí tích là hành động của Chúa Kitô vì chính Đức Kitô thiết lập và chính Người hiện diện hoạt động nơi các bí tích. Những mầu nhiệm trong cuộc đời Đức Kitô là nền tảng cho những gì Người ban phát trong các bí tích nhờ các thừa tác viên của Giáo Hội. Vì chính Đức Kitô hành động trong Giáo Hội nên hiệu quả của bí tích là hiệu quả do sự (ex opere operato) chứ không lệ thuộc sự thánh thiện riêng của thừa tác viên. Bí tích cũng là hành động của Giáo Hội. Vì theo dòng thời gian chính Giáo Hội xác định trong số các cử hành phụng vụ, có 7 cử hành là những bí tích do Chúa Giêsu thiết lập. Đồng thời Giáo Hội được xây dựng nhờ các bí tích vì các bí tích biểu lộ và thông ban cho con người sự hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi. Bí tích còn được gọi là Bí Tích Đức Tin, nghĩa là để cử hành bí tích phải có đức tin trước đã đồng thời các bí tích nuôi dưỡng đức tin của dân Chúa. Đức Tin của Giáo Hội có trước đức tin của mỗi cá nhân tín hữu. Khi cử hành, Giáo Hội tuyên xưng đức tin đã lãnh nhận từ các tông đồ. Vì vậy, không một nghi thức nào có thể được sửa đổi hay tùy tiện thêm bớt của thừa tác viên hay cộng đoàn.
4. Cầu nguyện:
Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Chúa, Đấng dựng nên và cứu độ chúng ta. Nói cách khác, cầu nguyện là sự gặp gỡ giữa sự khao khát của Thiên Chúa và nỗi khát khao của con người. Khi cầu nguyện chúng ta được dẫn vào mối tương quan sống động của con cái Thiên Chúa với Người Cha vô cùng nhân hậu của mình, nhờ Đức Giêsu Kitô và trong tác động của Chúa Thánh Thần.
Việc cầu nguyện được diễn đạt qua nhiều hình thức khác nhau:
· Chúc tụng và thờ lạy: chúng ta nhìn nhận mình là thụ tạo trước mặt Chúa là Đấng Tạo Hóa, vì thế dâng lời chúc tụng, tán dương sự cao cả, vĩ đại của Chúa và những công trình vĩ đại của Ngài.
· Cầu xin: là những thụ tạo, chúng ta không tự mình mà có, không làm chủ được những nghịch cảnh. Là Kitô hữu, chúng ta còn ý thức mình là tội nhân. Vì thế, dâng lời cầu xin là thái độ rất tự nhiên của tín hữu, và mọi nhu cầu đều có thể trở thành đối tượng của lời cầu xin.
· Tạ ơn: nhìn nhận rằng tất cả những gì chúng ta có, ngay cả bản thân mình, đều do Chúa ban; vì thế Thánh Phaolô khuyên “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh”
· Chuyển cầu: cầu xin cho người khác là đặc điểm của những tâm hồn hòa nhịp với lòng nhân hậu của Chúa. Trong lời kinh chuyển cầu, chúng ta quan tâm đến nhu cầu và tìm lợi ích cho người khác, kể cả người làm hại mình.
Nguyên Vũ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét