Sau khi tìm hiểu về Giáo Hội như cộng đoàn thờ phượng, chúng ta dành tháng 8 để tìm hiểu về Giáo Hội như là cộng đoàn hiệp nhất trong sự yêu thương. Chủ đề này được khai triển như sau:
1. Giáo hội là duy nhất vì nhiều lý do:
• Là sự hiệp nhất trong Ba Ngôi Thiên Chúa
• Chúa Giêsu đã tái lập sự hiệp nhất của mọi người trong một dân tộc và một thân thể
• Chúa Thánh Thần là linh hồn và là nguyên lý hợp nhất của Giáo Hội
Vì thế, mọi Kitô hữu đều có trách nhiệm giữ gìn và xây dựng sự hợp nhất trong Giáo Hội. Cách cụ thể:
- Theo gương Chúa Giêsu, cầu nguyện cho sự hợp nhất giữa các Kitô hữu;
- Canh tân đời sống để ngày càng trung thành hơn với ơn gọi Kitô hữu của mình;
- Hối cải tận đáy lòng, vì chính sự bất trung với ân sủng Đức Kitô là nguyên nhân gây chia rẽ giữa các chi thể trong Thân Mình mầu nhiệm của Chúa;
- Hiểu biết và tôn trọng những anh chị em trong các cộng đoàn Kitô khác, hợp tác với họ trong các lãnh vực khác nhau để phục vụ con người.
2. Giáo Hội được gọi là dân Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa không thuộc riêng một dân tộc nào, nhưng Ngài thiết lập một dân từ các dân tộc trên trần gian là “giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh” ( 1 Pr, 2,9)
Đức Kitô từ ban đầu đã rộng ban cho Giáo Hội ơn hiệp nhất, chúng ta tin rằng sự hiệp nhất ấy tồn tại mãi trong Giáo Hội công giáo và chúng ta hy vọng sự hiệp nhất ngày càng phát triển cho đến ngày tận thế (UR 1). Đức Kitô vẫn luôn ban cho Giáo Hội ơn hiệp nhất, nhưng Giáo Hội phải luôn luôn cầu nguyện và hành động để duy trì, tăng cường và hoàn chỉnh sự hiệp nhất mà Đức Kitô muốn. Vì thế, chính Chúa Giêsu cầu nguyện trong giờ khổ nạn và không ngừng cầu xin Chúa Cha cho các môn đệ được hiệp nhất: “Xin cho tất cả nên một! Lạy Cha, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, xin cho họ cũng được ở trong chúng ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai con” (Gioan 17, 21). Ước mong tìm lại sự hiệp nhất của tất cả các Kitô hữu là ơn của Đức Kitô và lời mời gọi của Chúa Thánh Thần (UR 1).
Để đáp lại lời mời gọi hiệp nhất của Chúa Thánh Thần, chúng ta cần:
- Canh Tân thường xuyên để ngày càng trung thành hơn trong ơn gọi của mình. Sự canh tân này là động lực của phong trào hiệp nhất (UR 6)
- Hoán Cải Nội Tâm “để sống phù hợp hơn với Tin Mừng” (UR 7), vì bất trung với hồng ân của Đức Kitô sẽ gây chia rẽ giữa các chi thể.
- Cầu nguyện chung vì “sự hoán cải tâm hồn và đời sống thánh thiện cùng với những lời kinh chung hoặc riêng cầu cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, phải được coi là linh hồn của tất cả phong trào hiệp nhất và xứng đáng mệnh danh là sự hiệp nhất thiêng liêng (UR 8)”
- Hiểu biết nhau trong tình huynh đệ (UR 9)
3. Đức Mến là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự vì chính Ngài, và vì yêu mến Thiên Chúa chúng ta yêu mến người lân cận như chính mình. Thánh Phaolô Tông đồ đã mô tả về Đức Mến như sau: “Đức Mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức Mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cor 13,4-7)
Đức Mến là mối giây liên kết và phối hợp các nhân đức, là nguồn mạch và cùng đích của việc thực hành các nhân đức. Khi chúng ta thực hành đời sống luân lý bằng đức mến, thì chúng ta không còn sợ hãi Thiên Chúa như kẻ nô lệ, nhưng là người con đáp lại tình yêu của Thiên Chúa, đấng đã yêu thương chúng ta trước.
Đức mến mang lại niềm vui, sự bình an và lòng thương xót nơi tâm hồn. Thánh Augustinô dạy: “Yêu thương là sự hoàn tất mọi công việc của chúng ta. Đó là mục đích: chúng ta chạy vì đó, chúng ta chạy đến đó. Và khi tới đó, chúng ta sẽ được yên nghỉ”
4. Khi tạo dựng người nam và người nữ, Thiên Chúa đã thiếp lập gia đình và đặt nền tảng căn bản cho gia đình. Hôn nhân và gia đình được sắp xếp hướng về thiện ích của đôi phối ngẫu, về việc sinh sản và giáo dục con cái.
Gia đình công giáo là sự hiệp thông yêu thương giữa các nhân vị, là dấu chỉ và hình ảnh của sự hiệp thông giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Vì thế hơn bất cứ nơi nào khác gia đình phải là mái ấm của tình yêu, ngôi trường đầu tiên dạy con người biết sống yêu thương và phục vụ.
Tình yêu này được thể hiện qua sự tôn kính cha mẹ: “ngươi hãy thờ cha kính mẹ để được sống lâu trên đất mà Chúa, Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi” (XH 20,12). Sự tôn kính cha mẹ (như là lòng hiếu thảo) đựơc bày tỏ qua sự ngoan ngoãn và vâng phục chân thành. Lòng hiếu thảo này còn được củng cố sự hài hòa trong toàn bộ đời sống gia đình, giữa anh chị em với nhau.
Trong điều răn thứ tư còn hàm chứa bổn phận của cha mẹ đối với con cái, cách riêng trong việc giáo dục đạo đức và đào tạo thiêng liêng cho con cái. Cha mẹ phải dạy cho con biết đặt những gì là vật chất và tự nhiên phụ thuộc những gì thuộc nội tâm và tinh thần. Trong công việc giáo dục này, điều quan trọng nhất là cha mẹ phải nêu gương tốt cho con cái.
Nguyên Vũ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét